Công nghệ sinh học được dự đoán là một ngành học rất “hot” trong tương lai. Chính vì vậy, trong những năm gần đây, ngành này đã và đang thu hút được sự quan tâm của rất nhiều các bạn trẻ cũng như các bậc phụ huynh mỗi mùa tuyển sinh. Tuy nhiên, những trường đại học nào đào tạo ngành Công nghệ sinh học tốt nhất ở nước ta cũng như mức điểm xét tuyển của trường đó như thế nào lại là điều mà không phải các bậc phụ huynh hay bạn trẻ nào cũng biết.
Chính vì vậy, để giúp các bạn đọc có thể nắm bắt được một cách dễ dàng hơn những thông tin liên quan đến những trường đại học này thì hôm nay Toplist sẽ tổng hợp cho các bạn top 10 trường đại học đào tạo ngành Công nghệ sinh học tốt nhất ở nước ta hiện nay.
Các trường đại học đào tạo Công nghệ sinh học tốt nhất
Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội
Hiện tại, trường đại học Khoa học Tự nhiên – đại học Quốc gia Hà Nội chưa có khoa Công nghệ sinh học mà chỉ có ngành Công nghệ sinh học thuộc khoa Sinh học. Được thành lập năm 1956, đến nay, khoa Sinh học đã trở thành một trong những trung tâm hàng đầu cả nước về đào tạo cán bộ từ trình độ đại học đến thạc sĩ, tiến sĩ cũng như nghiên cứu khoa học thuộc các lĩnh vực khác nhau của ngành Sinh học và Công nghệ sinh học.
Có thể bạn quan tâm:
- Tổng quan về Môn học Kỹ thuật di truyền chi tiết nhất
- Tổng hợp thông tin về Trường Đại học Bách khoa Hà Nội
- Học ngành Công nghệ sinh học ra trường làm gì? Giải đáp
Hiện nay, khoa Sinh học của trường đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội có đội ngũ nhân sự gồm 72 người trong đó giáo sư, phó giáo sư và tiến sĩ chiếm đến 50%. Cơ sở vật chất được đầu tư hiện đại cùng với đội ngũ giảng viên có trình độ cao, giàu kinh nghiệm. Sinh viên theo học tại đây không những được trang bị đầy đủ kiến thức, khả năng tư duy sáng tạo mà còn có kỹ năng nghề nghiệp và tay nghề cao cùng khả năng làm việc theo nhóm. Hàng năm, khoa Sinh học trường đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội cung cấp cho đất nước gần 100 cử nhân ngành Công nghệ sinh học chính quy.
Nhiều sinh viên tốt nghiệp ngành Công nghệ sinh học của trường đã và đang là những nhà khoa học đầu ngành, những nhà lãnh đạo và nghiên cứu chủ chốt tại các viện nghiên cứu, các trường đại học, các trung tâm khoa học trong cả nước.
Đại học Bách khoa Hà Nội
Bộ môn Công nghệ sinh học trường đại học Bách khoa Hà Nội được thành lập năm 2003 trên cơ sở tách ra từ bộ môn Vi sinh và kỹ thuật di truyền. Đến nay, bộ môn có 9 thành viên gồm 8 cán bộ giảng dạy và 1 cán bộ phục vụ giảng dạy với 1 giáo sư tiến sĩ, 5 phó giáo sư tiến sĩ, 2 tiến sĩ và 1 thạc sĩ. Đội ngũ cán bộ giảng dạy bộ môn được đào tạo bài bản tại các nước có nền khoa học công nghệ tiên tiến như: Nga, Pháp, Đức, Thụy Sĩ, Nhật Bản và Bungari. Bộ môn tham gia đào tạo các kỹ sư, thạc sĩ và tiến sĩ thuộc chuyên ngành Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm.
Ngay từ những ngày đầu thành lập, bộ môn Công nghệ sinh học đã và đang chủ trì, tham gia hàng chục đề tài nghiên cứu các cấp về các lĩnh vực như: Công nghệ enzyme, Công nghệ các sản phẩm lên men, công nghệ xử lý nước thải, … Việc đào tạo sau đại học sẽ gắn chặt với nghiên cứu. Sinh viên sau ra trường sẽ có cơ hội ở lại trường làm việc trong viện nghiên cứu hoặc tiếp tục học lên cao học.
Đại học Bách khoa TP. HCM
Bộ môn Công nghệ sinh học là bộ môn trẻ nhất trong khoa Kỹ thuật Hóa học của trường đại học Bách khoa TP. HCM, được thành lập ngày 1/8/2001. Bộ môn Công nghệ sinh học ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo cán bộ công tác trong ngành Công nghệ sinh học tại Việt Nam, đặc biệt là các tỉnh phía Nam.
Với định hướng phát triển công nghệ sinh học tiến tới công nghiệp công nghệ sinh học, bộ môn Công nghệ sinh học đại học Bách khoa TP. HCM là nơi đào tạo đội ngũ kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ về công nghiệp công nghệ vi sinh, công nghiệp công nghệ tế bào, tạo ra những sản phẩm công nghệ sinh học phục vụ cho y học, thực phẩm, xử lý ô nhiễm môi trường. Hiện nay, đội ngũ nhân sự bộ môn Công nghệ sinh học gồm 15 thành viên trong đó có: 4 phó giáo sư tiến sĩ, 5 tiến sĩ, 4 thạc sĩ và 2 nghiên cứu sinh.
Kỹ sư tốt nghiệp ngành Công nghệ sinh học đại học Bách khoa TP. HCM là đối tượng tuyển dụng hàng đầu của các công ty sản xuất, kinh doanh các sản phẩm công nghệ sinh học, các công ty dược và các viện nghiên cứu.
Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia TP. HCM
Giống như đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội, trường đại học Khoa học Tự nhiên TP. HCM cũng chưa có khoa Công nghệ sinh học riêng, mà Công nghệ sinh học là một ngành thuộc khoa Sinh học. Hiện nay, khoa Sinh học của trường có 72 cán bộ giảng dạy, trong đó có 1 giáo sư, 4 phó giáo sư, 23 tiến sĩ và 39 thạc sĩ. Với nền tảng là đội ngũ giảng viên có trình độ cao, cơ sở vật chất hiện đại, khoa Sinh học của trường là một trong những đơn vị đào tạo ngành Công nghệ sinh học hàng đầu trong cả nước.
Ngành Công nghệ sinh học gồm 4 chuyên ngành: Công nghệ sinh học Y dược, Công nghệ sinh học Nông nghiệp, Công nghệ sinh học Công nghiệp, Công nghệ sinh học Phân tử và Môi trường. Sinh viên sẽ được đào tạo các kiến thức cơ bản từ mức độ phân tử đến cơ thể, quần thể và nghiên cứu ứng dụng của công nghệ sinh học trong các lĩnh vực. Ngoài ra, sinh viên còn được trang bị những kiến thức cơ bản và chuyên sâu về công nghệ sinh học để có thể vận dụng vào thực tiễn.
Hàng năm, ngành Công nghệ sinh học của trường đào tạo và cấp bằng cử nhân cho khoảng 200 sinh viên. Nhờ những kiến thức cơ bản vững vàng, các cử nhân Công nghệ sinh học có khả năng tiếp nhận nhanh chóng các quy trình công nghệ sinh học hiện đại từ các quốc gia trên thế giới.
Đại học Bách khoa Đà Nẵng
Công nghệ sinh học là một bộ môn thuộc khoa Hóa của đại học Bách khoa Đà Nẵng được thành lập năm 2001. Trải qua gần 20 năm xây dựng và trưởng thành, bộ môn ngày càng hoàn thiện về đội ngũ cán bộ, chương trình đào tạo và chất lượng giảng dạy. Bộ môn hiện có 11 cán bộ giảng dạy trong đó có 3 tiến sĩ được đào tạo tại Pháp, Mỹ và Nga; 3 nghiên cứu sinh đang du học tại Úc, Cộng hòa Séc và Nhật Bản; 3 thạc sĩ được đào tạo ở Đài Loan, Nhật Bản và 2 kỹ sư đang theo học chương trình thạc sĩ tại trường.
Nhiệm vụ chính trị của bộ môn là đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế xã hội khu vực miền Trung – Tây Nguyên trong lĩnh vực công nghệ sinh học. Tính đến nay, bộ môn đã cho ra trường gần 500 kỹ sư công nghệ sinh học, nhiều kỹ đang đảm nhận nhiệm vụ quan trọng trong các cơ quan, xí nghiệp như: Trung tâm công nghệ sinh học – Sở khoa học công nghệ Đà Nẵng, Công ty dược Danapha, Công ty sữa đậu nành Vinasoy, … và nhiều công ty khác tại Đà Nẵng, các tỉnh Tây Nguyên và TP. HCM.
Bên cạnh công tác giảng dạy, các cán bộ trong bộ môn Công nghệ sinh học còn tham gia vào các công trình nghiên cứu khoa học nhằm nâng cao kiến thức chuyên môn để phục vụ giảng dạy. Hiện nay, bộ môn có 3 phòng thí nghiệm với trang bị hiện đại phục vụ cho việc giảng dạy và nghiên cứu của cán bộ, sinh viên.
Đại học Nông Lâm TP. HCM (cơ sở chính)
Bộ môn Công nghệ sinh học trường đại học Nông Lâm TP. HCM được thành lập theo Quyết định số 240/2001/QĐ-TCHC do hiệu trưởng trường ký ngày 19/2/2001. Bộ môn được giao nhiệm vụ đào tạo kỹ sư công nghệ sinh học dựa trên nền tảng kiến thức nông nghiệp truyền thống: nông học, lâm học, chăn nuôi, thủy sản cùng với những kiến thức, kỹ thuật tiên tiến: công nghệ gene, công nghệ lên men, công nghệ tế bào, công nghệ vi sinh và công nghệ hóa sinh.
Sau 16 năm xây dựng và phát triển không ngừng, tới nay, bộ môn có hai chuyên ngành đào tạo, một chương trình liên kết quốc tế, đào tạo trình độ thạc sĩ và hoàn thiện chương trình đào tạo tiến sĩ công nghệ sinh học. Bộ môn sở hữu một đội ngũ cán bộ giảng viên gồm 19 người trong đó 13 người là thạc sĩ và tiến sĩ cùng với một hệ thống cơ sở vật chất hiện đại gồm các phòng thí nghiệm, nhà lưới và khu thí nghiệm. Đây chính là cơ sở để đào tạo những kỹ sư công nghệ sinh học trình độ cao đáp ứng nhu cầu nhân lực của đất nước.
Đại học Cần Thơ
Trường đại học Cần Thơ chính thức đào tạo cử nhân công nghệ sinh học vào năm 2001, chương trình đào tạo ngành Công nghệ sinh học do các giảng viên của Viện Công nghệ sinh học và bộ môn Sinh học của trường giảng dạy. Ngoài ra, trường còn mời thêm một số giảng viên đến từ Bỉ và các Viện nghiên cứu khác trong khu vực cùng tham gia giảng dạy.
Với 12 cán bộ giảng viên, 100% có trình độ tiến sĩ, trong đó có 4 giáo sư và phó giáo sư, ngành Công nghệ sinh học trường đại học Cần Thơ chịu trách nhiệm đào tạo cử nhân công nghệ sinh học theo chương trình tiên tiến tập trung vào vấn đề an toàn thực phẩm và ô nhiễm môi trường ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Ngoài ra, bộ môn còn sở hữu 2 nhà lưới, 1 trại thí nghiệm với trang thiết bị hiện đại phục vụ cho việc đào tạo kỹ sư, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế.
Ngày nay, rất nhiều cựu sinh viên ngành Công nghệ sinh học của trường đang là những kỹ sư nghiên cứu, nhà khoa học trong các công ty, phòng thí nghiệm, là giảng viên trong các trường đại học trong và ngoài nước. Nhờ có họ mà Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung có được một nền nông nghiệp hiện đại tiên tiến
Học viện Nông nghiệp Việt Nam
Khoa Công nghệ sinh học của Học viện Nông nghiệp Việt Nam được thành lập năm 2008 với mục tiêu đào tạo đội ngũ kỹ sư và nghiên cứu công nghệ sinh học, đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực có trình độ cao trong lĩnh vực này. Hiện nay, chức năng nhiệm cụ chính của khoa Công nghệ sinh học là đào tạo kỹ sư và thạc sĩ chuyên ngành công nghệ sinh học theo các định hướng:
- Công nghệ sinh học thực vật (sinh học phân tử thực vật, di truyền phân tử thực vật, chọn tạo giống cây trồng, bệnh học phân tử, công nghệ nhân và sản xuất giống cây trồng, …)
- Công nghệ sinh học (di truyền phân tử sinh vật, công nghệ enzyme – protein, công nghệ vi sinh ứng dụng trong nông nghiệp, thực phẩm, môi trường, …)
- Công nghệ sinh học động vật (công nghệ tế bào, mô, phôi, thụ tinh trong ống nghiệm, chuẩn đoán phân tử y, sinh học,…)
Hội đồng khoa học khoa gồm 18 thành viên với 10 tiến sĩ (trong đó có 4 giáo sư và phó giáo sư), 8 thạc sĩ, đội ngũ này cùng cơ sở vật chất và trang thiết bị hiện đại, ngoài việc đào tạo nguồn nhân lực, khoa còn nghiên cứu thực hiện các đề tài khoa học nhằm ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực khoa học cây trồng và vật nuôi.
Đại học Quốc tế – Đại học Quốc gia TP. HCM
Khoa Công nghệ sinh học của trường đại học Quốc tế – đại học Quốc gia TP. HCM thành lập năm 2004 với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ nhu cầu phát triển của đất nước và khu vực. Khoa Công nghệ sinh học đào tạo sinh viên theo chương trình tiên tiến, tham khảo nội dung của các chương trình tương tự ở Hoa Kỳ, Vương quốc Anh và Úc. Theo học tại khoa, sinh viên sẽ được trang bị kiến thức toàn diện về công nghệ sinh học từ mức độ phân tử, kỹ thuật gene đến ứng dụng sản xuất trong các ngành y dược, nông nghiệp và công nghiệp.
Đội ngũ giảng viên cơ hữu của khoa hiện có 8 phó giáo sư, 16 tiến sĩ, 23 thạc sĩ là người Việt Nam và nước ngoài được đào tạo tại các trường đại học nổi tiếng trên thế giới. Kỹ sư tốt nghiệp có thể làm việc tại các đơn vị sản xuất, kiểm soát chất lượng, các cơ sở nghiên cứu hoặc đào tạo trong và ngoài nước. Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm đúng chuyên ngành của khoa trên 80%. Mỗi năm, khoa có khoảng 10 – 15% sinh viên được các trường đại học và viện nghiên cứu của nước ngoài cấp học bổng để theo học bậc thạc sĩ hoặc tiến sĩ.
Có thể bạn quan tâm:
- Nước điện giải mang lại những lợi ích gì cho sức khỏe?
- Phèn chua có nhiều công dụng trong y học và công nghiệp
Đại học Mở TP. HCM
Khoa Công nghệ sinh học trường đại học Mở TP. HCM được thành lập tháng 6/1991 là khoa Công nghệ sinh học đầu tiên được chính phủ cấp phép tại Việt Nam. Trải qua hơn 20 năm hình thành và phát triển, hiện nay khoa có một đội ngũ giảng viên đầy tâm huyết và giàu kinh nghiệm gồm: 2 phó giáo sư tiến sĩ, 5 tiến sĩ, 16 thạc sĩ với 5 nghiên cứu sinh và một số cán bộ phụ trách các phòng thí nghiệm. Đội ngũ giảng viên hùng hậu đã đáp ứng nhu cầu giảng dạy lý thuyết gắn liền với thực tiễn, cung cấp nguồn kiến thức phong phú cho sinh viên của khoa. Ngoài ra, khoa còn sở hữu một hệ thống gồm 8 phòng thí nghiệm tại Bình Dương được trang bị đầy đủ trang thiết bị hiện đại, đáp ứng tốt nhu cầu giảng dạy và nghiên cứu khoa học của giảng viên và sinh viên.
Khoa công nghệ sinh học là một trong những khoa đi đầu trong phong trào nghiên cứu khoa học của đại học Mở TP. HCM, hàng năm, khoa đều có đề tài dự thi và đạt các giải cao trong các cuộc thi sinh viên, nghiên cứu khoa học cấp bộ như Eureka, Sony xanh,…
Ngành Công nghệ sinh học là một bộ môn nằm trong khoa Công nghệ sinh học nhằm đào tạo các cử nhân có năng lực chuyên môn, tư duy sáng tạo để giải quyết các vấn đề thực tiễn của ngành học, ứng dụng công nghệ sinh học trong y – dược, nông nghiệp, môi trường, công nghệ thực phẩm để có thể đáp ứng yêu cầu của các loại hình doanh nghiệp và tổ chức khác nhau.